Các món ăn trong tiệc cưới Miền Nam

✦ 06/10/2015 ✦ Lượt xem (10868)

Ở bài “Các món ăn trong tiệc cưới Miền Bắc” chúng ta đã nghe một câu chuyện hay kể về cỗ cưới của những ngày xưa ở Miền Bắc. Hôm nay chúng ta sẽ cùng “lạm bàn” xem các món ăn trong tiệc cưới Miền Nam có sự khác biệt và độc đáo gì nhé!

Nào chúng ta cùng tìm hiểu….

Tiệc cưới ở Sài Gòn là tính theo 1 bàn 10 người , 1 mâm ở Hà Nội hay các nơi khác ở miền Bắc là 6 người. Ngày nay, mỗi khi dự tiệc cưới ở Sài Gòn hay nói rộng ra là cả vùng Nam Bộ, ta dễ nhận thấy có sự giống nhau về các món ăn. Gần như là một công thức với các món tuần tự được dọn lên bàn tiệc, chỉ cần thấy vài món đầu tiên là thực khách có thể đoán được bốn năm món còn lại là những gì.

Ở các nhà hàng sang trọng, món thứ nhất chắc chắn sẽ là một chén súp vi cá (thường là giả vi cá cho có vẻ thôi…) hay súp măng tây cua. Còn các tiệc bình thường cũng phải có một loại súp khai vị như thế, tuy chất liệu có thể thấp hơn một chút: vi cá, bào ngư, cua biển sẽ được thay bằng lòng trứng gà, măng tre xắt nhuyễn, đôi khi có cả trứng chim cút. Đã gọi là súp tất nhiên phải loãng, nhưng không loãng như súp của người phương Tây, súp ta luôn pha thêm bột năng, bột bắp sền sệt. Bởi vậy nhìn trong chén súp ta thấy như có những áng mây hòa quyện trên bầu trời, hay rồng – phượng giao nhau (một chút ý nghĩa và tư tưởng lãng mạn…). Đó là lý do để người chế biến thức ăn gọi súp khai vị là món Phong vân hội tụ hoặc Loan phượng hòa mình. Mục đích là chúc mừng cho tân lang và tân giai nhân.

Món súp vi cá trong tiệc cưới Miền Nam

Món súp vi cá trong tiệc cưới Miền Nam

Món kế tiếp nhất thiết phải là món ăn khô (không có nước) và thường được gọi là bốn món ăn chơi. Tuy bốn món nhưng không dọn ở bốn đĩa khác nhau, mà bốn món dọn chung một đĩa. Ngày xưa khi còn xính dùng chữ Hán thì món này có tên là tứ bửu (bốn thứ ngon), gồm: gà rút xương sắt lát, chả giò tôm cua, càng cua bách hoa, một món thịt nguội (sau này có khi các đầu bếp giản tiện hóa bằng một món duy nhất trong số bốn món kể trên). Ăn chơi, tức dạng khai vị nghĩa là đi cùng với chén súp, món tứ bửu được dọn trong lúc chờ các món chính của bữa tiệc cưới.

Vài món ăn trong tiệc cưới ngày nay

Món chính ngày nay thường là gà quay, heo sữa quay hay cá chẽm, cá lóc hấp, cá tai tượng chiên xù hoặc trưng theo nhiều kiểu cách khác nhau. Nhưng khoảng hơn nửa thế kỷ về trước, ở vùng đồng bằng song Cửu Long , món chính thịnh hành nhất trong tiệc cưới có cái tên gọi Hán Việt khá cầu kỳ Giang Nam dã hạc và được coi là một món ăn quý, với cách chế biến hoàn toàn theo phong cách người Việt phương Nam. Bây giờ món này hầu như không còn hiện diện trên bàn tiệc, nhất là tiệc cưới, tuy nhiên đó là một món ăn khá độc đáo, thiết nghĩ món này cần được ai đó phục hồi lại.

Cái tên Giang Nam dã hạc – Nghĩa là con chim hạc đậu trên cánh đồng Giang Nam (tỉnh ở phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc, nơi có đồng ruộng phì nhiêu giống miền Tây Nam bộ của nước ta) – còn được ông cha ta gọi là Kim kê bát bửu hay Phượng Hoàng bát trân (nghĩa là con gà vàng hay con phượng hoàng với tám món quý). Nội cái tên nghe đã thấy “hoành tráng”, mà thực sự là hoành tráng thật, trên chiếc đĩa bàn là một con gà mái tơ được quay vàng, dưới bụng gà là hàng tá những thức ăn đi kèm (bát bửu hay bát trân – tám món ngon, quý): trứng, tôm cua càng, cua biển óc heo, ruột gan heo, chim sẻ lạp xưởng, thịt khô, nấm măng tre; rồi trên lớp măng là một lớp gồm tám quả trứng ( có thể hơn, tùy theo số thực khách trong mỗi bàn tiệc) gọi là trứng non, được làm bằng hợp chất gồm thịt sấy khô băm nhuyễn, lạp xưởng xắt hạt lựu, thịt cua biển xé nhỏ, củ hành, nấm rơm hoặc nấm mèo, thêm gia vị vừa ăn rồi vo viên thành hình quả trứng gà nhỏ, được quấn chung quanh một đoạn ruột heo làm sạch, xong đem chiên vàng. Rồi lại một lớp măng, một lớp trứng nữa nhưng lần này là trứng già, được làm bằng tôm càng băm nhuyễn trộn với củ năng xắt nhỏ và bột mỳ, vo viên và cũng quấn ruột heo, đem chiên giòn. Lại một lớp măng, một lớp trứng nữa, nhưng lần này là trứng lộn, làm bằng gan heo bằm nhỏ trộn cùng đậu đen, mè, tương hột, nước cốt dừa, lá chanh hoặc lá rau răm và óc heo, cũng vo viên và cũng cuốn ruột heo rồi đem chiên vàng. Đã có trứng lộn ắt phải có trứng nở con. Lớp trứng trên cùng chính là trứng nở, hay trứng khẻ mỏ mà để tạo thứ trứng này người ta lấy vỏ trứng đã rủa sạch, mở một cái lỗ vừa đủ cho vào một con chim sẻ hay chim dồng dộc đã chiên vàng. Trứng khẻ mỏ cũng ăn kèm với măng tre.

Tóm lại, con Kim kê bát bửu bên trên được đặt theo tư thế xòa cánh trùm hết số trứng bên dưới, giống như đang ấp trứng. Điều này vừa ngụ ý đã có đám cưới ắt sẽ sinh con, mà số trứng nhiều như vậy là biểu trưng cho hạnh phúc sum vầy và sung túc. Một lời chúc phúc quá ư là tốt đẹp phải không?

Khi ăn, con gà (đã được chặt ra từng miếng nhỏ và ghim dính lại với nhau bằng tăm) được gắp từng miếng cho đến hết. Tiếp theo là từng món trứng, mỗi người một quả. Do được ăn kèm với măng tre luộc nên không bị ngán. Sau cùng là món cơm chiên, Kim kê bát bửu đúng nghĩa là món ăn chính cho bữa tiệc vì gồm luôn cơm trong đó, thay vì món cơm chiên hay lẩu đi kèm mì như sau này. Dọn cùng lúc với món kim kê thường là một món có nước , hoặc là cù lao (sau này gọi là lẩu) hoặc giò heo hầm củ cải mặn hay hầm ngũ quả ( năm loại quả, củ: táo tàu, hạt sen. củ năng, bạch quả, hạt kê hoặc một quả gì khác thay thế).

Kết thúc bữa tiệc cưới là món tráng miệng, cũng giống như ngày nay, gồm bánh ngọt hoặc trái cây.

Đặc biệt, có những điều kiêng kị trong thực đơn tiệc cưới của người Nam bộ ngày xưa, mà bất cứ ai dù giàu sang dù bần hàn đều phải nhớ tránh: các món canh chua, canh đắng và món mắm. Dù miền Nam là nơi sản sinh ra các loại mắm cá đồng với những thứ chế biến từ mắm tuyệt ngon như mắm ruột, mắm kho và rau (ngày nay là lẩu mắm), nhưng không bao giờ mắm có trong thực đơn tiệc cưới. Lý do đơn giản: ngày cưới người ta kỵ những thứ gì gợi lên đắng cay, chua chát và hôi hám (mắm dù ngon nhưng vẫn là món nặng mùi). Tương tự, cá lóc nướng trui dù là một trong những đặc sản chỉ miền Nam mới có, nhưng cũng không bao giờ có mặt trong bữa tiệc, cưới hỏi, trong khi cá hấp thì có. Người ta kiêng bởi hình ảnh con cá nướng trui tượng trưng cho sự cháy xém đen đủi.

Ngày xưa, nhà giàu cỡ nào thì trong tiệc cưới – thường nấu tại nhà – cũng phải có những món kể trên, chủ nhân muốn biểu tỏ sự giàu sang, sung túc của mình thì trên những món đắt tiền khác. Ngày nay, tiệc cưới đa phần đặt ở nhà hàng, các món ăn có nhiều thay đổi, tuy nhiên về trình tự dọn ăn thì chẳng khác xưa là mấy. Theo chúng tôi, ngành du lịch nên nghiên cứu, tổ chức lại những bàn tiệc truyền thống Nam bộ ngày xưa cho du khách chiêm ngưỡng và thưởng thức, hẳn sẽ rất thú vị, ý nghĩa.

Câu chuyện khá dài nhưng rất hay phải không bạn? qua câu chuyện này chúng ta hiểu thêm được nhiều về văn hóa tiệc cưới của người Miền Nam nhiều ý nghĩa hay và những ý nghĩa hay đó ẩn sâu trong chính các món ăn trong tiệc cưới.

Theo Tạp chí cưới hỏi

Khi bạn muốn thưởng thức, sử dụng trên mâm cỗ, mâm lễ những chiếc bánh chưng ngon đậm đà văn hóa truyền thống dân tộc, những chiếc bánh chưng đặc biệt như: bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm... Bánh chưng từ các làng nghề nổi tiếng như Bờ Đậu, Tranh Khúc, Lỗ Khê...

Gọi hotline 096 831 8765 để đặt mua. Bánh chưng ngon sẽ được đưa đến bạn.!

Địa chỉ Cửa hàng Bánh Chưng Ngon tại Số 28, Ngõ 580 Trường Chinh, Hà Nội

Các bài viết trước đó

Hướng dẫn mua hàng

Quà tặng, khuyến mại

Xem tất cả sản phẩm

Được yêu thích

Bánh chưng ngon ở Bờ Đậu - Thái Nguyên
Bánh chưng nhân đường, ngọt, ngon
Bánh chưng gù Hà Giang được bán tại các thành phố như Hà Nội, TPHCM, Hải Phong...
Bánh chưng nếp cẩm mua ở đâu ngon? Bạn hãy đến với cửa hàng bánh chưng ngon
Gọi đặt mua