Bánh chưng ruột xanh (còn gọi là bánh chưng lá riềng) là bánh chưng xanh từ ngoài vỏ đến ruột bánh, do gạo được ngâm nước cốt riềng trước khi gói. Bánh có nguồn gốc tỉnh Phú Thọ, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh…nơi ẩm thực giao thoa giữa người miền xuôi và người miền núi.
Ở Phú Thọ người dân thường gói bằng gạo nếp cái hoa vàng vào dịp Tết, ở Điện biên bánh chưng lá riềng (được gọi với cái tên bánh chưng nương – nương bắc – bánh chưng Bà Kiều) thường dùng nếp nương, ở Lạng Sơn – Quảng Ninh cũng dùng gạo nương để gói, do gạo nương thường có sản lượng ít nên thay dùng gạo nếp vải (nếp cái hoa vàng) ngâm lá riềng như ở Phú Thọ.
Dù bánh ở Phú Thọ, Điện Biên, Lạng Sơn hay Quảng Ninh…thì bánh đều có màu xanh từ ngoài vào trong do gạo nếp ngâm nước cốt lá riềng, cách làm như nhau, chỉ khác nhau ở cách gói bánh, cách buộc lạt. Bánh chưng lá riềng thường dẻo hơn do làm bằng gạo nếp nương hoặc nếp cái, màu sắc xanh đẹp hơn, có mùi thơm dịu.
Bánh được làm cẩn thận, từ việc tạo màu xanh từ lá riềng, xếp, gấp lá dong, gạo, thịt, đỗ và cách luộc. Mặc dù không dùng khuôn nhưng bánh gói rất vuông, chắc, chặt và nhìn rất đẹp.
Bánh chưng ruột xanh cùng với bánh chưng gấc đỏ khi đặt trên mâm cỗ, lễ, tiệc tạo thành một cặp bánh xanh – đỏ rất đẹp.