Bánh cốm Hàng Than từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng Hà Nội, món ăn này không thể thiếu trong các lễ cưới hỏi, giỗ chạp và được du khách đến Hà Nội ưa chuộng.
Cũng giống món bánh dày Quán Gánh, bánh cốm làm quanh năm nhưng làm nhiều nhất vào mùa cưới và thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch hàng năm. Những cửa hiệu bánh cốm nổi tiếng như Nguyên Ninh, An Ninh, Nguyên Hưng… luôn đặt chữ tín lên hàng đầu để giữ gìn thương hiệu, bản sắc riêng cho chiếc bánh của mình.
Bản thân người làm bánh cốm phải có cái tâm, cẩn thận. Sản phẩm của cửa hàng Nguyên Ninh đảm bảo tinh khiết không có chất phụ gia, chất bảo quản, hạn sử dụng trong vòng 3 ngày.
Theo quan niệm của gia đình, việc giữ chữ tín và tinh khiết cho những chiếc bánh cũng là giữ tinh khiết cho ngày lễ hội, ngày cưới của các cặp vợ chồng. Chính vì vậy nên cửa hàng bánh cốm thường đặt vấn đề chất lượng lên ưu tiên hàng đầu. Ví dụ cửa hàng thường khuyên với khách hàng, nếu những người đi chặng đường xa, dài ngày thì không nên mua bánh vì dễ bị hỏng.
Để có một chiếc bánh cốm gia truyền, phải chọn những hạt cốm được làm từ hạt thóc nếp Thái Bình, là loại hạt cốm già và loại 1. Đậu làm nhân cũng phải chọn những hạt mẩy đều, đem ngâm nước cho nở hết, bóc vỏ, đồ lên rồi giã nhuyễn trộn lẫn với dừa, đường kính trắng.
Hạt cốm được ướp rồi đem xào trên chảo nóng khoảng 2 giờ đồng hồ, đến khi những hạt nếp quyện lại và vẫn giữ được màu xanh. Trong cốm trộn một ít dừa và đường kính, ở giữa là nhân đỗ, sau đó bánh được gói bằng giấy bọc thực phẩm và hộp giấy. Bánh có vị dịu ngọt từ ngoài và đậm dần vào trong nhân, có vị dẻo thơm của cốm và ngọt bùi của đỗ xanh.
Nghề làm bánh cốm ở phố Hàng Than nay cũng khác xưa nhiều. Trước năm 1989, cả phố Hàng Than chỉ có vài nhà làm bánh cốm, giờ đây đã có tới gần 50 cửa hàng.
Trước đây, xào bánh cốm bằng tay, đun bằng than củi bây giờ việc xào cốm đã được thay bằng máy và đun bằng bếp ga. Tuy nhiên, nguyên liệu, cách thức làm bánh cốm vẫn không thay đổi.
Hiện nay, 99% số cửa hàng bánh cốm ở Hàng Than đều sử dụng máy móc hỗ trợ làm. Nguyên liệu làm bánh cốm do một làng nghề ở Thái Bình cung cấp cho cả phố, chỉ một số ít làm theo đơn đặt hàng là lấy cốm khô nguyên liệu. Giá loại cốm khô nguyên liệu này khoảng 150.000 đồng/kg trong khi cốm Thái Bình vài chục ngàn/kg.
Bánh đạt tiêu chuẩn phải mịn màng, thơm, tinh khiết, không mốc, không bị chua.Hầu hết các cửa hàng trên phố Hàng Than đều duy trì được lượng khách hàng quen, ngoài ra phục vụ cho nhu cầu khách du lịch và lễ hội, lễ tiệc cưới, hỏi…
Bánh cốm Hàng Than đã tạo cho Hà Nội một hương sắc riêng mà người có công sáng tạo ra loại bánh cốm độc đáo này vào năm 1865 không ai khác là cụ tổ Nguyễn Duy của dòng họ với hàng bánh cốm Nguyên Ninh ở số nhà 11 phố Hàng Than.
Trải qua 144 năm với nhiều thay đổi lịch sử, bánh cốm Nguyên Ninh vẫn vẹn nguyên như ngày đầu, là khởi nguồn sáng tạo và duy trì phát triển nghề bánh cốm gia truyền trên phố Hàng Than.
➥ Khi bạn muốn thưởng thức, sử dụng trên mâm cỗ, mâm lễ những chiếc bánh chưng ngon đậm đà văn hóa truyền thống dân tộc, những chiếc bánh chưng đặc biệt như: bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm... Bánh chưng từ các làng nghề nổi tiếng như Bờ Đậu, Tranh Khúc, Lỗ Khê...
☎ Gọi hotline 096 831 8765 để đặt mua. Bánh chưng ngon sẽ được đưa đến bạn.!
❖ Địa chỉ Cửa hàng Bánh Chưng Ngon tại Số 28, Ngõ 580 Trường Chinh, Hà Nội