Nghe tiếng rao bán bánh tiêu bên đường mà tâm hồn cứ xao xuyến. Chẳng hiểu lý do tại sao mà những chiếc bánh tiêu đường lại có sức mê hoặc đến vậy.
Từ người lớn tuổi tới trẻ nhỏ đều hào hứng khi cầm trên tay chiếc bánh tiêu đường nóng hổi và chúng bỗng trở thành món quà vặt được yêu thích nhất mỗi khi đông về.
Chúng ta cùng nghe kể câu chuyện hay về món bánh đặc biệt này nhé….
Chiếc xe đạp cũ kỹ chở tủ kính nhỏ phía sau, bên trong xếp đầy những chiếc bánh màu vàng, thơm phức mùi vừng nếp… Với nhiều người, nỗi nhớ mùa đông Hà Nội đã gắn với hình ảnh và hương vị “bánh tiêu Sài Gòn”.
Chiều nay, khi đã xa Hà Nội, tôi lại thèm được cảm nhận cái lạnh mùa đông Hà thành, rồi tạt qua cổng trường “Nhân văn” ngồi quây quần cùng bạn bè, thổi phù phù, cắn miếng bánh tiêu thơm nóng trong miệng và chuyện trò rôm rả. Với tôi, bánh tiêu không chỉ là món quà quen thuộc, nó dường như trở thành nỗi nhớ, những kỷ niệm về những người bạn thân thuở hàn vi và nỗi nhớ mùa đông Hà Nội.
Người ta nói bánh tiêu không phải gốc Hà thành. Bánh có nguồn gốc từ Sài Gòn và “di cư” ra Bắc chỉ ít năm nay. Nhưng bởi dễ tìm và cũng không kén người thưởng thức, món bánh đất phương Nam đã nhanh chóng chiếm được sự yêu thích của nhiều người và trở thành món quà quen thuộc khắp từng ngõ ngách, góc phố thủ đô.
Thời sinh viên hình như luôn để trong lòng mỗi người một nỗi nhớ thường trực, để khi có điều kiện ai cũng thấy xốn xang trong lòng. Với tôi, kỷ niệm thời sinh viên thật giản dị với những chiều hè tụ tập trà đá, cùng lũ bạn thân đạp xe vòng quanh hồ Gươm, thưởng thức cà phê Đinh hay mỗi chiều đông gió bấc được ngồi quanh góc bánh tiêu cổng trường…
Có thể dễ dàng gặp những chiếc xe đạp cũ kỹ chở chiếc tủ kính nhỏ có dòng chữ “bánh tiêu Sài Gòn” phía sau trên bất cứ con phố nào. Không cần tiếng rao, không ồn ã nhưng hàng bánh tiêu luôn đông khách. Mấy nghìn đồng có thể đủ cho bữa sáng nhẹ hoặc làm ấm bụng bất kỳ cô cậu học sinh, sinh viên nào trong cái giá lạnh mùa đông.
Giản dị như chính cách mà người ta đặt tên cho nó, bánh tiêu rất dễ làm với những nguyên liệu dễ có. Tuy vậy, cũng không mấy người tự làm món bánh này vì nó dễ tìm, dễ mua trên khắp Hà Nội.
Chị chủ hàng bánh tiêu “của chúng tôi” bảo bánh được làm từ bột mì. Qua quá trình nhào, trộn và ủ rất cẩn thận, bột được đem ra nặn thành những chiếc bánh mỏng, dẹt. Bánh tiêu có khuôn hình gần giống bánh dầy truyền thống nhưng không có nhân, vỏ có một lớp vừng phủ thơm phức.
Bánh tiêu rán xong căng phồng, như có túi khí bên trong. Chiếc bánh vàng ruộm, nhẹ, mềm và thơm nức mùi bột mì, vừng trắng. Bánh tiêu phải được thưởng thức lúc còn nóng kèm với tương ớt… Đó thật là một điều thú vị, làm chiều lạnh ấm hẳn lên trong cảm nhận của mỗi người.
Góc quán bánh tiêu mở quanh năm trên nhiều góc phố Hà Nội, nhưng chỉ đến mỗi dịp mùa đông quán mới nhiều khách, tập nập hơn. Có lẽ bởi đây cũng là một loại bánh ngọt rán, ăn nhiều dễ ngán. Nhưng chính cái vị ngậy béo từ hạt vừng và bột mì, cái thơm phức, nóng hổi ấy lại làm nên sự đặc biệt và cuốn hút bất kỳ người thưởng thức nào…
➥ Khi bạn muốn thưởng thức, sử dụng trên mâm cỗ, mâm lễ những chiếc bánh chưng ngon đậm đà văn hóa truyền thống dân tộc, những chiếc bánh chưng đặc biệt như: bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm... Bánh chưng từ các làng nghề nổi tiếng như Bờ Đậu, Tranh Khúc, Lỗ Khê...
☎ Gọi hotline 096 831 8765 để đặt mua. Bánh chưng ngon sẽ được đưa đến bạn.!
❖ Địa chỉ Cửa hàng Bánh Chưng Ngon tại Số 28, Ngõ 580 Trường Chinh, Hà Nội